LIỆU CÓ NÊN VỀ QUÊ ĂN TẾT ?
Từ lâu, mình cũng nhận ra suy cho cùng những phong tục, tập quán đâu đó cũng một phần làm khổ người dân hằng ngày, hằng giờ.
Tết đến, Xuân về là thời khắc mà đáng ra con người ta phải vui vẻ, quây quần lại trở thành gánh nặng, thành nỗi lo còn lớn hơn cả cơm áo gạo tiền.
Đối với những gia đình nghèo khó, phải xa hương cầu thực, cả năm làm lụm chắt chiu thay vì tận hưởng hoặc tự thưởng cho bản thân thứ gì đó, thì họ lại “phải” về quê để đoàn viên. Với nhiều người, tiền vé xe, vé máy bay, tiền di chuyển không là gì nhưng với một số người, đó là con số không hề nhỏ. Chưa kể còn sắm Tết, sắm quà, vv… khiến đa số mọi người nhắc đến việc “về quê ăn Tết” thì luôn sợ hãi hơn thay vì vui vẻ.
Và có bao giờ bạn nhận ra, đa số người dân không đủ chi trả cho cuộc sống của họ thì họ rất sợ Tết, chứ họ không vui vẻ an hưởng cái Tết đoàn viên như người “giàu”.
Sợ vì Tết đến phải sắm sửa, phải “đủ đầy” từ trong ra ngoài, nhà cửa vườn tược phải sửa sang, trẻ con người lớn phải xúng xính váy hoa, đeo nhiều trang sức, xe mới, nhà mới, con người mới để tỏ ra hoặc cố tỏ ra rằng một năm qua mình làm ăn phát tài, vv…
Và với mình, việc chúng ta được hạnh phúc và an vui luôn quan trọng hơn hoặc quan trọng nhất so với những lề thói đằng sau đó. Nên cũng hơn 2 năm rồi, mình không về quê ăn Tết, mà sẽ về vào dịp thích hợp hơn.
Tết là để quay quần, không sai, nhưng nó cũng không đáng để trở nên thành một “gánh nặng” mà con người ta bị sợ hãi khi nhớ đến. Vì mình biết nhiều gia đình, ăn một cái Tết xong là lại mất rất nhiều tháng sau đó để trả nợ. Điều này thật sự không đáng một tí nào.
Vì vậy, sự an vui của chúng ta luôn quan trọng hơn những lề thói, phong tục, tập quán xưa cũ. Tuy những tập quán đó đã theo chúng ta rất nhiều năm, nhưng nó đã dần không còn phù hợp. Đó cũng là một trong những hệ thống niềm tin đã ăn sâu vào tư duy của rất nhiều tầng lớp, nhưng cũng đã đến lúc chúng ta cần thay đổi để trở nên tốt hơn, để góp phần thay đổi những điều cũ để trở nên phù hợp hơn. Là sữa chữa, chứ không phải là đạp đổ.
Chúng ta vẫn đang tôn vinh nét đẹp và phẩm chất của những phong tục tập quán cũ, nhưng là thay đổi cách nhìn và không bám chấp về nó.
Tết có thể về quê, sẽ rất tốt. Nhưng nếu bận hoặc không đủ điều kiện thì cứ hãy là không về cũng không sao.
Khi nào kinh tế ổn thì về, về vào một dịp thích hợp khi có đủ an vui và đủ điều kiện kinh tế sẽ ổn hơn rất nhiều so với việc về mấy hôm Tết nhưng lo lắng, bất an, buồn bã hoặc luôn cảm thấy thiếu thốn và sau mấy ngày Tết, lại trở về với sự mệt mỏi và lại chạy đua với cơm áo khi x2 tốc lực!
Còn nếu mọi người nói Tết là về quê để cúng bái Tổ Tiên, cũng không sai, nhưng phần đa, Tổ Tiên chúng ta cũng muốn chúng ta thành công và hạnh phúc, là nhớ đến họ trong niềm hạnh phúc và an lạc, chứ không phải là thờ cúng một bài vị, một ngôi m.ộ với sự buồn bã, chán nản và không cam lòng.
Vì suy cho cùng, người mất họ cũng sẽ đi về nơi của họ, họ không thể nào ở mãi ở chiếc bài vị hay ngôi m.ộ nào đó để chờ được “cúng bái” gì cả. Khi họ trở nên vô hình, thì những thứ “hữu hình” với họ cũng trở nên vô ích. Cái chạm được họ chỉ là lòng thành, niềm an vui và hỷ lạc của con cháu.
Và vì xưa nay chúng ta vẫn hay hiểu sai về Tâm Linh, về phần hồn - thứ mà mắt thường không nhìn thấy được. Nhưng Tâm Linh và đời sống luôn song hành cùng nhau, bạn không thấy nhưng không có nghĩa là nó không tồn tại. Và vì chúng ta luôn là những mảnh ghép của Vũ trụ, chưa từng tách rời.
Tâm linh ngày xưa do chưa có sự kết nối của tri thức nên đã trở nên mê tín và dẫn dắt chúng sinh đi sai con đường của sự thật.
Nhưng Tâm linh ngày nay là Khoa học, là Quy luật vận hành của Trời đất, Vũ trụ, Ngũ hành và tất cả.
Mọi thứ tưởng chừng như rời rạc nhưng lại làm nên tổng thể. Hiểu được bản vẽ của tổng thể cũng là khi bạn thoát khỏi khổ đau thường nhật.
Đi đôi với sự phát triển của Khoa học & Công nghệ, thì chúng ta cũng cần hiểu hơn về quy luật vận hành của Khoa học, Vũ trụ & Tâm linh. Bạn cho rằng mình khổ, nhưng khổ tâm là do bản thân còn chấp niệm & không hiểu tính chất cốt lõi của vấn đề. Nhưng khi hiểu được rồi, thì cũng là khi bạn tìm thấy được bình an tại tâm.
Khi đó, chúng ta cũng sẽ không bị trói buộc trong những lề thói, phong tục tập quán, hay những motif cũ không còn phù hợp. Từ đó sẽ chạm đến sự bình an thật tâm.
Một kiếp người vốn dĩ ngắn, nhưng sẽ đủ dài và “đủ dùng” với những người biết trân trọng và thuận dòng theo quy luật chảy trôi của Vũ trụ.
Bài viết có thể sẽ gây tranh cãi, nhưng cũng rất vui nếu như mọi người nhìn nhận được một điều gì đó, một “chút” gì đó. Vì chung quy, sự thật sẽ không làm mát lòng ai cả, nhưng sẽ giúp bạn phát triển và tốt hơn từng ngày. Đó là những gì mà mình luôn truyền tải.
Và cuối cùng thì, chúc mọi người có một cái Tết an lành và Hạnh phúc, Bình an!
Nhận xét
Đăng nhận xét